1. Đặt vấn đề
Tự chủ đại học (university autonomy) có thể được định nghĩa là mức độ độc lập cần thiết đối với các tác nhân can thiệp bên ngoài, để nhà trường có thể thực hiện các hoạt động quản trị và tổ chức nội bộ, phân bổ các nguồn lực tài chính trong phạm vi nhà trường, tạo ra và sử dụng các nguồn tài chính ngoài ngân sách công, tuyển dụng nhân sự, xây dựng các tiêu chuẩn cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu, và cuối cùng là quyền tự do trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Tự chủ đại học là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, tạo ra môi trường giảng dạy, học tập, nghiên cứu một cách sáng tạo và đổi mới.
Một số quốc gia trong những thập niên gần đây đang đẩy mạnh tự chủ đại học như Mỹ, Anh, Canada, Úc, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc. Tại Mỹ, hầu hết các trường đại học đều có quyền tự chủ đối với việc quản lý tài chính và tổ chức các chương trình giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các chương trình giáo dục và đưa ra các quy định và tiêu chuẩn cho các trường đại học. Ở Anh, chính phủ đang thúc đẩy các trường đại học tự chủ hơn trong việc tuyển dụng nhân sự và quản lý tài chính. Trong khi đó, tại Đức, các trường đại học đang được khuyến khích phát triển các chương trình giảng dạy và nghiên cứu độc lập hơn, đồng thời cải cách hệ thống quản lý tài chính để đạt được mức độ tự chủ cao hơn. Tại Nga, chính phủ đã thực hiện một số cải cách nhằm tăng cường sự tự chủ của các trường đại học công lập. Theo luật giáo dục của Nga được ban hành vào năm 2012, các trường đại học công lập có quyền tự quyết các vấn đề như quản lý tài chính, lựa chọn giảng viên và chương trình đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng được khuyến khích thành lập các liên minh đại học, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ [1]. Tại Trung Quốc, tự chủ đại học cũng đang được quan tâm và thực hiện. Trong thập niên 1990, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách cho phép các trường đại học được tự chủ độc lập hơn. Các trường đại học được cho phép quản lý tài chính, lựa chọn giảng viên và chương trình đào tạo của mình. Với quyền tự chủ trên một số phương diện, đặc biệt có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khu vực Nhà nước, các trường đại học Trung Quốc đã đạt được những kết quả ấn tượng nhất định, thể hiện qua số lượng đào tạo đại học và sau đại học, các kết quả nghiên cứu và hợp tác quốc tế về chuyên môn, cùng một số nền tảng cho quyền tự chủ về học thuật [2]. Tuy vậy, phạm vi tự chủ của các trường đại học công lập vẫn chưa được đồng đều trên toàn thế giới, phụ thuộc vào mô hình kiểm soát của Nhà nước [2,3,4].
Giáo dục đại học ở Việt Nam có hơn 75 năm xây dựng và phát triển từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học vẫn còn nhiều yếu kém và bất cập về cơ chế quản lý, cơ cấu hệ thống, cơ cấu ngành nghề, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, quy trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và học tập, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, hiệu quả sử dụng nguồn lực, thi cử, cấp bằng và một số hoạt động giáo dục khác [5].
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, giáo dục đại học cần đổi mới toàn diện và tập trung vào hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, và xác định tự chủ đại học là vấn đề quan trọng. Cơ chế tự chủ đại học bao gồm các điều kiện như hội đồng trường, hội đồng đại học, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ, và chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định.
2. Một số kết quả thực hiện tự chủ đại học tại Việt Nam
Thể chế hóa chính sách của Đảng về tự chủ đại học, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam 2006-2020 được ban hành. Theo đó, chủ trương này được xác định trên cơ sở đổi mới tư duy và cơ chế quản lý giáo dục đại học, kết hợp hợp lý và hiệu quả giữa việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và việc đảm bảo quyền tự chủ, tăng cường trách nhiệm xã hội và tính minh bạch của các cơ sở giáo dục đại học. Để thực hiện chủ trương này, cơ sở giáo dục đại học công lập được chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính. Các cơ sở giáo dục đại học được cho phép tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội khóa XIII cũng quy định quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Luật đã cho phép các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học và ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 xác định nhiệm vụ, giải pháp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ ban hành về “thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017” quy định rõ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học công lập. Điều 4 của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường đại học công lập cam kết tự đảm bảo kinh phí hoạt động và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Nghị quyết số 89/NQ-CP, ngày 10/10/2016, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 quyết nghị về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc đẩy mạnh tự chủ đại học. Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác.
Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật số 34/2018/QH14 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học. Nội dung quy định bao gồm các quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn của trường đại học, bao gồm: (a) ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật; (b) xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh; (c) quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo; (d) quyết định đào tạo từ xa, liên kết đào tạo trình độ đại học; (e) quyết định hoạt động khoa học và công nghệ; (đ) được tự chủ mở ngành đào tạo theo quy định.
Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bao gồm các chính sách nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đồng thời, Nhà nước tăng cường công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, xếp hạng các trường đại học, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới, ưu tiên nguồn lực phát triển các trường công nghệ.
Nội dung của các văn bản cho thấy sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với việc tự chủ đại học, tạo ra hành lang pháp lý cho các trường đại học thực hiện quyền tự chủ. Việc thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học công lập đã giúp giảm thủ tục hành chính, tăng tính chủ động và linh hoạt trong tổ chức các hoạt động. Mô hình thí điểm tự chủ cũng được đánh giá tích cực tại một số cơ sở giáo dục đại học, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập tốt hơn với giáo dục đại học trên thế giới.
Năm 2014, chính phủ Việt Nam thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho các trường đại học công lập trong giai đoạn 2014-2017. Đề án này đã được áp dụng đầu tiên với 4 trường đại học trong cả nước gồm: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Hà Nội, sau đó mở rộng cho tổng cộng 23 trường. Kết quả cho thấy các trường đã trở nên năng động hơn, nỗ lực hơn và có nhiều cải tiến để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai các quyền tự chủ của các trường đại học trong thực tế vẫn còn rất hạn chế do thiếu các quy định cụ thể và các văn bản pháp lý chưa được cập nhật kịp thời. Hiện nay, đã có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động, và 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật số 34/2018/QH14. Tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tăng rõ rệt, cùng với đó là tăng thu nhập bình quân của viên chức và người lao động [5].
Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã cải tiến tổ chức và nhân sự, tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng nhân viên hành chính, thu hút đội ngũ giảng viên và chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô. Các trường đại học cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và doanh nghiệp, tăng cường công tác bảo đảm chất lượng giáo dục và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh. Quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến và liên kết đào tạo với nước ngoài tăng lên hàng năm. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đang phát triển nhiều chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới, đào tạo tiên tiến và đào tạo bằng tiếng Anh [6].
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, tự chủ đại học tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều hạn chế và thách thức, gồm hạn chế tài chính, quản lý, chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Tự chủ đại học yêu cầu các trường phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về tài chính, tuy nhiên, nhiều trường vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động, giảm độ tự chủ và khả năng đưa ra các quyết định độc lập [7]. Các đại học tự chủ cũng phải đối mặt với các thách thức trong việc quản lý các nguồn lực và nhân lực, dẫn đến sự trì trệ trong quá trình ra quyết định và thực hiện chính sách. Một số trường đại học Việt Nam còn gặp thách thức đáng kể trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu, và vẫn tập trung vào đào tạo và tuyển dụng nhân lực cho các ngành nghề truyền thống, bỏ qua các ngành mới nổi và cần thiết như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
3. Giải pháp và hướng phát triển cho tự chủ đại học trong giai đoạn mới
Để nâng cao hiệu quả tự chủ đại học ở Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục, trước hết cần thực hiện cải cách hệ thống quản lý và phân quyền cho các cơ sở giáo dục đại học. Một số giải pháp cần sớm thực hiện như: (1) xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan đến quản lý và phân quyền trong giáo dục đại học, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu mới của quốc tế hóa giáo dục; (2) nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý trực tiếp bằng cách tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức mới về quản lý giáo dục, áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý và giám sát các hoạt động của các trường đại học; (3) tăng cường vai trò và trách nhiệm của Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong các cơ sở giáo dục đại học. Đảm bảo phân định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đặc biệt là Hội đồng trường và Ban giám hiệu. Xây dựng cơ chế hoạt động cho Hội đồng trường, bao gồm việc thành lập bộ máy giúp việc để Hội đồng trường có thể hoạt động hiệu quả hơn; (4) tăng cường vai trò của nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trong việc phát triển các hoạt động giáo dục. Đưa giảng viên và sinh viên trở thành nhân tố quan trọng trong việc đánh giá và định hướng phát triển của trường đại học; và (5) tăng cường sự minh bạch trong quản lý của các cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện các biện pháp giám sát, đánh giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giáo dục, đặc biệt là về tham nhũng và lợi ích nhóm.
Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách tự chủ về tổ chức, liên kết đào tạo, tài chính và nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế chưa đủ để tạo động lực cho sự phát triển của các trường đại học. Các công cụ chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ cũng còn hạn chế và chưa thật sự hiệu quả. Điều kiện thực hiện tự chủ chủ yếu mới chỉ tiếp cận từ góc độ tổ chức nhân sự, tài chính và tài sản, hầu như chưa tính đến tự chủ về chuyên môn, học thuật. Để giải quyết các vấn đề này, thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả chính sách tự chủ bằng cách cải tiến và thay đổi các chính sách hiện tại để đáp ứng được các yêu cầu của thực tế. Các chính sách này nên tập trung vào việc tạo ra động lực cho sự phát triển của các trường đại học, thúc đẩy việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thứ hai, cần tăng cường sự tự chủ về chuyên môn, học thuật để giúp các trường đại học đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Thứ ba, cần tạo ra các điều kiện thuận lợi cho tự chủ bằng cách mở ra cơ chế để thu hút các nguồn tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, cần đảm bảo cân bằng giữa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình.
Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế-xã hội vùng miền, cần thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời. Để làm được điều này, Nhà nước cần nhanh chóng triển khai quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và phân định rõ ràng các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi của các trường đại học công lập quốc gia và địa phương. Bên cạnh tập trung đầu tư vào một số đại học quốc gia và các đại học vùng, Nhà nước cần đầu tư vào các trường đại học công lập khu vực, địa phương bằng cách cung cấp các gói dịch vụ đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ theo địa chỉ cụ thể của các bên có nhu cầu trên cơ sở tiềm lực và điều kiện thực tế. Các đơn vị sử dụng lao động cũng ưu tiên ký kết các hợp đồng đào tạo và cung ứng nguồn lao động chất lượng cao theo đúng nhu cầu công việc và vị trí việc làm cụ thể. Các trường đại học công lập khu vực, địa phương phải đẩy mạnh hợp tác với các nền giáo dục tiên tiến và tổ chức khoa học công nghệ hiện đại để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn. Các trường cũng cần xây dựng mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ đại học theo hướng hội nhập quốc tế để khẳng định, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Kiểm định chất lượng giáo dục được coi là phương thức để bảo đảm cân bằng giữa tự chủ và nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm. Để đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện một cách thực chất, khách quan, trước tiên Nhà nước phải thành lập một tổ chức độc lập để kiểm định và công nhận chất lượng giáo dục với đầy đủ công cụ, tiêu chuẩn. Việc đánh giá này sẽ đưa ra kết quả đánh giá trung thực về chất lượng giáo dục, giúp xã hội hiểu rõ hơn về các trường đại học. Bên cạnh đó, các trường đại học phải phát triển một hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ của riêng mình theo các tiêu chuẩn Nhà nước quy định. Điều này sẽ giúp các trường đại học chủ động tự đánh giá và bảo đảm chất lượng một cách hiệu quả hơn, thay vì chờ đợi tổ chức độc lập đến để kiểm định. Hệ thống này bao gồm các tiêu chuẩn chất lượng nội bộ, các quy trình đánh giá, các chương trình đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho giảng viên và nhân viên, các hoạt động liên quan đến nâng cao chất lượng giáo dục. Cuối cùng, cần tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý và kiểm soát hoạt động của các trường đại học. Các trường đại học cần tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm các giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tài trợ, phụ huynh và xã hội, trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động của mình.
4. Kết luận
Tự chủ đại học hiện nay có thể nói là một xu thế tất yếu, là thuộc tính của một trường đại học. Để đạt được mục tiêu tự chủ đại học thực sự cần có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng trong việc phát triển một môi trường đại học tự chủ và phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự đối mặt với nhiều thách thức, như tài chính, quản lý và giám sát hiệu quả, là điều không thể tránh khỏi. Để giải quyết những thách thức này, cần thực hiện các giải pháp như tăng cường vai trò của các cấp quản lý, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nghiên cứu khoa học. Các giải pháp này sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong giai đoạn mới.
Tài liệu tham khảo
- Luật liên bang “Về giáo dục ở Liên bang Nga”. https://rg.ru/documents/2012/12/30/obrazovanie-dok.html. Truy cập ngày 04/4/2023.
- Su‐Yan Pan. University Autonomy, the State, and Social Change in China by. Hong Kong, Hong Kong University Press, 2009. 264 pp. ISBN 978‐962‐209‐936‐4.
- Braun, D. (1999). Changing governance models in higher education: The case of the new managerialism. Swiss Political Science Review, 5(3), 1–24. https://doi.org/10.1002/j.1662-6370.1999.tb00276.x
- Dobbins, M., & Knill, C. (2009). Higher education policies in central and Eastern Europe: Convergence toward a common model? Governance: An International Journal Policy, Administration and Institutions, 22(3), 397–430. https://doi.org/10.1111/j.1468-0491.2009.01445.x
- Hội đồng lý luận trung ương, “Về vấn đề tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam”, https://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/ve-van-de-tu-chu-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam.html. Truy cập ngày 04/4/2023.
- Báo điện tử Chính phủ, “Tự chủ đại học: Cuộc cách mạng đổi mới giáo dục đại học”,https://baochinhphu.vn/tu-chu-dai-hoc-cuoc-cach-mang-doi-moi-giao-duc-dai-hoc-102220804101158725.htm. Truy cập ngày 04/4/2023.
- Quý Hiên. Tự chủ đại học có đang lạc hướng? Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/tu-chu-dai-hoc-co-dang-lac-huong-1851499313.htm. Truy cập ngày 04/4/2023.